Theo đó, người dân vẫn có thể mua xe và lưu thông bình thường tại các tuyến phố không cấm.
Trao đổi với báo chí chiều 29/6, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Sở đang được thành phố giao nhiệm vụ xây dựng đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc trên địa bàn, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2016. Một trong những mục tiêu của đề án là hạn chế phương tiện cá nhân tiến tới cấm xe máy tại một số tuyến phố nội đô.
Hà Nội đang xây dựng kế hoạch cấm xe máy vào năm 2025.
Theo ông Viện, để giảm ùn tắc giao thông, Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp. Ví dụ, tại cuộc làm việc của lãnh đạo UBND thành phố với Sở sáng cùng ngày, đại diện công an đề xuất thu phí phương tiện tham gia giao thông tại một số tuyến phố có lưu thông lớn.
Phương án cấm xe máy cũng là một trong những giải pháp để giảm ùn tắc. Lãnh đạo Sở Giao thông cho biết, cơ sở để đưa ra mốc thời gian 2025 cấm xe máy cũng như việc thực hiện lộ trình là do xu thế của các đô thị hiện đại thế giới và trong khu vực, khi phát triển đến mức độ nào đó phải có lộ trình giảm dần phương tiện cá nhân và tiến tới cấm xe máy hoạt động ở nội đô.
Bên cạnh đó, Hà Nội hiện đứng trước nguy cơ ùn tắc giao thông rất lớn với xe cá nhân tăng nhanh. Thành phố hiện có 5,5 triệu xe cá nhân, trong đó 500.000 ôtô, hơn 5 triệu xe máy và với tốc độ tăng bình quân 10%/năm, dự báo đến năm 2025 có khoảng 11 triệu xe máy. Lượng xe máy lớn không chỉ gây ùn tắc giao thông mà còn ảnh hưởng đến môi trường, khí thải.
“Vì thế giảm xe cá nhân, tiến tới cấm xe máy hoạt động ở nội thành là xu thế tất yếu. Việc này Thủ tướng đã có chủ trương giao cho các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM phải xây dựng lộ trình. Hà Nội cũng đã quyết tâm đưa ra lộ trình như vậy”, ông Viện nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông, quan điểm rõ ràng của thành phố là hạn chế và tiến tới cấm xe máy ở một số tuyến phố nội đô, nhưng không hạn chế quyền sở hữu, mua sắm phương tiện của người dân. Người dân vẫn có thể mua xe và lưu thông bình thường tại các tuyến phố không cấm.
Để hạn chế dần và tiến tới cấm xe máy phải đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân. Năm 2025, Hà Nội cơ bản đầu tư xong hạ tầng khung như các tuyến đường vành đai, xuyên tâm. Phương tiện vận tải hành khách công cộng có tốc độ nhanh, khối lượng vận chuyển lớn như 8 tuyến đường sắt đô thị. Đến năm 2020, phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội phải đáp ứng được 20% nhu cầu đi lại của nhân dân, đến 2025 được 30-40%.