Thể Thao 247 - “Sức ép gia tăng từ các hãng taxi truyền thống đối với nền tảng công nghệ mới như Uber, Grab hiện nay; chính quyền địa phương ứng xử ngăn cản đối với sự phát triển của các công nghệ mới, cho thấy họ có tầm nhìn chính sách hạn hẹp, mặt khác cho thấy khả năng bị chi phối bởi các nhóm lợi ích trong cấu trúc kinh tế cũ…”.
Trong báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 3 năm 2017, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ví dụ điển hình về cấu trúc kinh tế Việt Nam đang thiếu động lực sáng tạo, cải cách chậm như việc một số địa phương đang có xu hướng hạn chế hoạt động Uber và Grab, gây ồn ào dư luận hiện nay.
Theo Viện VEPR: "Tiến trình cải cách thể chế kinh tế chậm, chưa kích thích được sự sáng tạo đổi mới sâu rộng trở thành nền tảng tăng trưởng lâu dài. Vì thiếu động lực sáng tạo, giải pháp tăng trưởng thường chú trọng vào yếu tố ngắn hạn, đôi khi đi kèm với mệnh lệnh hành chính, nhằm đạt được mục tiêu tạm thời", VEPR cho hay.
“Ví dụ điển hình là sức ép gia tăng từ các hãng taxi truyền thống đối với nền tảng công nghệ mới như Uber, Grab hiện nay; chính quyền địa phương ứng xử ngăn cản đối với sự phát triển của các công nghệ mới, cho thấy họ có tầm nhìn chính sách hạn hẹp, mặt khác cho thấy khả năng bị chi phối bởi các nhóm lợi ích trong cấu trúc kinh tế cũ. Điều này phát đi những tín hiệu bất lợi cho sự du nhập công nghệ mới”, Viện VEPR khẳng định.
Báo cáo của các nhà kinh tế, Viện VEPR cho rằng: Việt Nam vẫn đang ở mức thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Giá trị gia tăng chủ yếu dựa vào mức thâm dụng lao động giá rẻ, gia công và hầu như không dựa vào tiến bộ công nghệ trên cơ sở nghiên cứu và phát triển.
Chính vì điều này nên Việt Nam vẫn là điểm đến cho quá trình gia công, thay thế cho một số nước đang chuyển lên nấc thang cao hơn như Trung Quốc, Thái Lan. Cấu trúc dân số vàng của Việt Nam đang qua đi, với sự gia tăng của tỷ trọng người già trên tổng dân số, lợi thế về nguồn cung lao động có thể nhanh chóng mất đi. Không có chính sách chuyển đổi, nâng cao kỹ năng và năng suất lao động kịp thời, Việt Nam sẽ mất các lợi thế về chi phí sản xuất.
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR đề nghị: Nền kinh tế có xu hướng phụ thuộc ngày càng nhiều vào khu vực FDI, trong khi đó, chi đầu tư công tiếp tục chỉ chiếm tỷ trọng tương đối khiêm tốn so với chi thường xuyên và trả lãi nợ gốc trong tổng chi NSNN. Thực tế này cho thấy Việt Nam có ít khả năng cải thiện năng suất toàn xã hội trong trung hạn, và đa phần thành quả kinh tế phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Ngoài đánh giá cụ thể, VEPR đưa ra dự báo về lạm phát từ nay đến cuối năm có xu hướng gia tăng do áp lực tăng chi phí sản xuất, điều chỉnh hàng loạt dịch vụ cơ bản như điện, giáo dục, y tế, xăng dầu, chính sách tăng lương cơ bản có hiệu lực từ tháng 7/2017, sự tăng cầu tiêu dùng vào các tháng cuối năm, và gia tăng sức ép tăng trưởng tín dụng để đạt mục tiêu 21% của Chính phủ cho cả năm.
"Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng cao bất thường trong quý 3, chúng tôi điều chỉnh dự báo tăng trưởng Quý 4 sẽ ở mức 7,12%, đưa tăng trưởng cả năm lên mức 6,64%, cải thiện 0,27% so với dự báo VEPR đưa ra hồi quý trước. Đồng thời, lạm phát quý 4 sẽ gia tăng lên mức 4,16%, vượt qua mức mục tiêu là 4% và cao hơn 1,97 %", báo cáo của VEPR chỉ rõ.
Đồng thời, với đà phục hồi trong giá thực phẩm, sức ép mục tiêu về tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn, lộ trình tăng giá dịch vụ công, sự trao nhiều quyền hạn hơn cho EVN trong việc điều chỉnh giá điện cùng với đó là nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm, chúng tôi cho rằng lạm phát Quý 4 sẽ gia tăng lên mức 4,16%.