Năm 1966, trường ĐHTDTT Từ Sơn - Hà Bắc tổ chức tuyển sinh lớp năng khiếu thể thao đầu tiên của miền Bắc. Có một cậu bé mắt rất sáng, người nhỏ thó, chân vòng kiềng, da đen nhẻm đến dự tuyển và bị loại thẳng. Biết Thể Công đang tuyển VĐV trẻ đưa đi Triều Tiên đào tạo, cậu tìm đến tuyển nhưng chiều cao, cân nặng lại một lần nữa khiến cậu bị loại.
Ba Đẻn đi từ sân bóng phủi đến nổi tiếng khắp 5 châu (ảnh: Soha)
Cựu danh thủ Thể Công Ngô Xuân Quýnh vốn là “bạn bóng đá” của ông Nguyễn Văn Thìn A (bố của Thế Anh) phải đứng ra bảo lãnh, Thế Anh mới được nhận. Năm 1967, Thế Anh được đi Triều Tiên và Hungari tập luyện và hơn 1 năm sau, khi trở về nước Thế Anh đã làm các đội bóng miền Bắc mất ăn, mất ngủ. Được tập huấn ở Triều Tiên và Hungary, nhưng Thế Anh vẫn không nặng tới 50kg, chiều cao không quá 1m64, chẳng ai tin Thế Anh sẽ là một danh thủ.
Trận thi đấu quốc tế đầu tiên của “Ba đẻn” là trận Thể Công - ĐT Cu Ba (thắng 3/2, ngày 2-9-1970). Mấy ngày sau, “Ba đẻn” đã đứng trong đội hình chính thức của ĐT VNDCCH gặp ĐT Cu Ba (tỉ số hòa 2-2). “Ba đẻn” vẫn làm tình làm tội hậu vệ phải của đội bạn bằng những cú vọt chạy, dừng bất ngờ rồi lại vọt. Một cầu thủ cao xấp xỉ 1m80, cân nặng gần 80 kg bị một cầu thủ chỉ cao hơn 1m60, nặng 50 kg cho chơi trò “chuột vờn mèo”, chỉ còn thiếu nước khóc quả là chuyện hài hước trên sân đấu.
Nhỏ con thế, nhưng “Ba đẻn” là kiện tướng bóng đá xuất sắc. Những năm 70 thế kỷ trước, bóng đá miền Bắc có 3 “quái kiệt” với chiều cao trên dưới 1m60 là Nguyễn Thế Anh (Thể Công), Nguyễn Ngọc Điệp (CAHN), Hoàng Mạnh Quyến (QĐ1 và QK Thủ đô). Họ đều là kiện tướng bóng đá.
Ba Đẻn nhớ lại khoảng thời gian bắt đầu làm nên tên tuổi của mình (ảnh: Soha)
Ở ĐTQG, cầu thủ “Ba đẻn” đá cặp rất hợp với trung phong Từ Như Hiển (CAHN). Cả hai đều thuận chân trái, kẻ “tung” (“Ba đẻn”), người “hứng” (Từ Như Hiển), cặp “bài trùng” này luôn làm rộ lên những tiếng hò reo. “Ba đẻn” còn nhớ một kỷ niệm. Năm 1976, đội Thể Công đi tập huấn 3 tháng ở Hungary với nhiệm vụ sẽ là đội bóng miền Bắc đầu tiên vào miền Nam mới giải phóng thi đấu (về sau, đội TCĐS đi thay). Về nước, Thể Công có trận đấu báo cáo trên sân Hàng Đẫy mà đối thủ là ĐT Hải Phòng. Thể Công đã thua 0-4. Theo kế hoạch, một trận đấu thứ 2 cách 1 tuần sau đó sẽ được tổ chức tại Hải Phòng. Các tướng lĩnh băn khoăn không biết có nên cho đá tiếp hay huỷ bỏ trận đấu vì đá mà thua nữa thì uy tín Thể Công sẽ mất rất nhiều và ảnh hưởng đến tâm lý cầu thủ trước khi vào Nam. Cuối cùng, đoàn trưởng Thể Công Ngô Xuân Quýnh trình bày kế hoạch đánh bại tuyển Hải Phòng mà “Ba đẻn” là hạt nhân. Cầu thủ nhỏ con này sẽ không bám biên như mọi khi mà luôn chạy vào trong, thậm chí có thể chạy sang cánh bên kia nhận bóng.
Mục đích là để kéo hậu vệ biên Đức “di” theo, tạo chỗ trống ở biên trái và người xâm nhập chỗ trống này là tiền vệ Phan Văn Mỵ. Kế hoạch khá chi tiết và cả đội Thể Công mạn đàm 2-3 ngày đến… thuộc thì thôi.
Đức “di” mắc mẹo ngay vì anh ta được giao nhiệm vụ “Đẻn” đi đâu, Đức “di” theo đó. Phan Văn Mỵ nhập vị trí trống khá tốt để nhận bóng của tiền vệ Bùi Xuân Thêu “tỉa” cho. Chưa đầy 20 phút, Thể Công đã có bàn thắng thứ nhất rồi bàn thứ 2. Tuyển Hải Phòng rối loạn. Đức “di” không biết có nên theo “Đẻn” nữa hay không. HLV Thể Công chỉ đạo “Đẻn” trở lại bám biên và lại làm tình làm tội hậu vệ đang hoang mang này. Kết quả Thể Công thắng 3-0.
Gần 20 năm thi đấu cho Thể Công, “Ba đẻn” có rất nhiều kỷ niệm vui, buồn. Sau khi giải nghệ, anh trở thành trợ lý HLV đội bóng ruột thịt của mình - Thể Công. Năm 2005, làm huấn luyện viên trưởng đội U-18 Thể Công tham dự giải bóng đá U.18 quốc gia