Với việc V-League sắp trở lại, đây là lúc không thể tốt hơn để bóng đá Việt Nam xây dựng hình ảnh trên trường quốc tế.
Highlights Hà Nội vs Nam Định - nguồn: VTV
Những nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ đã đem lại hiệu quả, điều đó giúp các hoạt động thể thao có thể trở lại gần như mức bình thường. Dù V-League chưa công bố ngày trở lại chính thức nhưng chắc chắn khoảng cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, các đội sẽ bước vào các loạt trận của vòng 3.
Việt Nam cũng là một trong số ít những giải VĐQG có thể thi đấu trở lại trên thế giới. Đây là thời cơ rất tốt để Ban tổ chức giải quảng bá hình ảnh của V-League trên trường quốc tế.
Mới đây giải K-League đã tổ chức lại. BTC thông báo tin vui khi đã có 20 quốc gia mua bản quyền phát sóng, trong đó có những đất nước cuồng nhiệt bóng đá như Đức và Australia. Thậm chí giải VĐQG nhỏ như đảo Faroe cũng được cả châu Âu săn đón, được đài truyền hình Na Uy mua bản quyền phát sóng.
Sự thèm khát bóng đá đang âm ỉ trên toàn thế giới, đây là cơ hội không thể tốt hơn để V-League làm hình ảnh cho mình. Lâu nay V-League được gắn với hình ảnh bạo lực cùng điều kiện sân bãi tồi tệ. Trong khi ấy, các đội bóng cũng chơi bóng một cách thiếu tư duy khi chỉ cậy vào các tiền đạo ngoại to cao, tốc độ để sử dụng lối đá bóng dài.
Những điều ấy đã tạo thiện cảm không tốt với người xem truyền hình. Nó tệ hại đến mức một HLV nổi tiếng như Mourinho không dưới một lần dùng bóng đá Việt Nam để châm biếm trong câu chuyện của mình.
Nhìn từ thành công của K-League, những nhà quản lí và BTC V-League có thể học tập. Trong cái khó ló cái khôn, đây là dịp không thể tốt hơn để chúng ta thay đổi cái nhìn của thế giới với bóng đá Việt Nam.
Những đội bóng chất lượng như Hà Nội, TP HCM, Than Quảng Ninh,... hay mặt cỏ sáng loáng của Hàng Đẫy, Thống Nhất xứng đáng lọt vào những góc quay đẹp nhất. Những chi tiết nhỏ ấy sẽ góp phần tạo ra hình ảnh chuyên nghiệp của V-League. Đây sẽ là cơ hội để BTC nghĩ đến chuyện kiếm lời từ bản quyền truyền hình, điều từ trước nay chưa ai dám mơ tới.