Có những huyền thoại được nhớ đến với bộ sưu tập thành tích đồ sộ, những người khác lưu danh sử sách với những chiến công trong màu áo ĐTQG, còn với Michael Ballack, người ta sẽ mãi đến đến anh với tư cách của một ông vua về nhì.
Chung kết Champions League 12 năm trước, khi cú đá 11 mét của Nicolas Anelka bị khước từ bởi Edwin van der Sar, người ta thấy John Terry gục khóc trên vai HLV tạm quyền Avram Grant. Cristiano Ronaldo nức nở như đứa trẻ giận dỗi cha mẹ. Chelsea thua MU ở trận chung kết toàn Anh của bóng đá châu Âu. Còn Michael Ballack nếm thêm một thất bại cay đắng.
Cú trượt ngã định mệnh
Trước cú trượt chân định mệnh của John Terry, một góc máy truyền hình lia tới các cầu thủ Chelsea, ở thời khắc mà phần lớn trong số họ tin là lịch sử. Ballack khi đó không nhìn thẳng vào người đội trưởng của mình. Không rõ là do anh lo sợ một điều chẳng lành, hay đó là ánh mắt liếc nhìn quang cảnh sân vận động trước giây phút đặc biệt. Chỉ biết rằng sau cú trượt chân của Terry là hình ảnh Ballack gục ngã.
Một gã đàn ông điển hình của nước Đức, cứng cỏi, lỳ lợm, cao tới 1m90 và nặng 80kg lại ngã khụy như chẳng còn chút sức lực. Trong suốt sự nghiệp đầy thăng trầm của mình, không ít lần người ta thấy Ballack phải cúi đầu, nhưng hiếm khi họ thấy anh rơi lệ, thậm chí là gục ngã.
Ông vua về nhì
Mùa hè năm 2006, khi đã bước sang tuổi 30, Michael Ballack từ chối hàng loạt tên tuổi lớn của bóng đá châu Âu để chọn Chelsea, đội bóng mới nổi thời bấy giờ. Sẽ là sai lầm nếu nói sự nghiệp của Ballack là một chuỗi những thất bại, bởi 4 năm chơi cho đội bóng Tây London, khi bắt đầu bước sang phía bên kia của sườn dốc, Ballack vẫn giành được hàng loạt danh hiệu quốc nội cao quý ở giải đấu khắc nghiệt nhất hành tinh.
“Tiểu Hoàng đế” chọn Stamford Bridge để được làm việc cùng HLV Jose Mourinho. Tuy nhiên thành tích không tốt ngay mùa bóng đầu tiên khiến Người đặc biệt phải ra đi, chỉ 1 năm sau ngày Ballack đến.
Mùa 2007/08, Ballack không có được phong độ tốt. Chelsea được nắm quyền bởi HLV vô danh Avram Grant. Tuy nhiên bằng một cách nào đó, The Blues vẫn vào đến chung kết Champions League và chỉ thất bại một cách tức tưởi trước đại kình địch MU.
Đó không phải là thất bại duy nhất của Ballack, nhưng hẳn là một trong những thất bại đau đớn nhất, trong một trong những mùa giải bi kịch nhất. Chelsea năm đó về nhì ở Ngoại hạng Anh, về nhì League Cup, về nhì Champions League. Nhưng số phận vẫn trêu đùa với Ballack, bởi chỉ hơn 1 tháng sau đêm mưa Moscow, đội tuyển Đức do anh làm đội trưởng thất bại trước Tây Ban Nha ở chung kết EURO.
Trong sự nghiệp của mình, Ballack có 2 lần suýt chạm vào chiếc cúp bạc Champions League, trong những mùa giải 2001/02 và 2007/08, và đó đều là những tấn bi kịch.
Năm 2002, Bayer Leverkusen của Ballack cũng có cú ăn ba về nhì, ở Bundesliga, Cúp quốc gia Đức và Champions League. Cũng trong hè năm đó, Ballack làm mọi thứ để đưa ĐT Đức vào đến chung kết World Cup, nhưng tấm thẻ đỏ ở bán kết khiến anh không thể tham dự trận đấu cuối cùng, và rồi những cỗ xe tăng để thua 0-3 trước Brazil.
Sự dở dang vĩ đại
Nếu để tìm ra một tiền vệ vĩ đại trong thập niên 2000, nhiều người hẳn nhớ đến sự mềm mại và tinh tế của Zinedine Zidane. Có người yêu vẻ hào hoa lãng tử của David Beckham, hay sự cứng cỏi đến đáng sợ từ Roy Keane. Nhưng ở Ballack, anh còn có nhiều hơn thế.
Ballack là tổng hòa của mẫu tiền vệ mà mọi đội hình đều cần có ở thời bấy giờ. Người đàn ông cứng cỏi mang chất Đức, người thủ lĩnh có thể gạch vác và hy sinh cho cả một nền bóng đá, chàng tiền vệ hào hoa với những pha làm bàn từ đủ mọi tư thế, hay một anh công nhân làm xuất sắc nhiệm vụ dọn dẹp khu trung tuyến.
Làm thế nào mà một đội tuyển Đức vắng nhân tài như lá mùa thu lại có thể 2 lần vào đến chung kết World Cup và EURO, cùng một lần về 3 ở World Cup chỉ trong vòng 1 thập kỷ? Câu trả lời là họ có Michael Ballack.
Khi mà những Marco Reus, Mario Gotze hay Thomas Muller còn là những cầu thủ trẻ, Michael Ballack gần như là ngôi sao duy nhất của người Đức thời bấy giờ. 98 trận trong màu áo những cỗ xe tăng, số 13 cứ vượt qua từng thất bại, rồi lại đứng lên một mình gánh vác đội tuyển.
Từ ngôi Á quân World Cup 2002, thắng lợi ở trận tranh hạng 3 World Cup 2006, rồi lại cay về nhì tại EURO 2008. Chấn thương khiến Ballack lỡ hẹn với World Cup 2010, và rồi mâu thuẫn với LĐBĐ Đức khiến anh không thể có thêm một lần khoác áo của những cỗ xe tăng. Khi thế hệ của Ballack được thay thế bằng một thế hệ khác tài năng hơn, hiện đại hơn, phóng khoáng hơn, và thành công hơn, người ta nhận ra Ballack vẫn chưa một lần được nếm trải vinh quang trong màu áo đội tuyển.
Nếu như Franz Beckenbauer được tôn vinh là hoàng đế bóng đá, thì Michael Ballack là tiểu hoàng đế của người Đức. Nếu như những người yêu bóng đá nhớ tới Ronaldo, Maradona hay Messi về những bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ, thì Ballack luôn được gắn liền với mác kẻ về nhì. Nếu như câu lạc bộ 100 để tri ân những cầu thủ có đóng góp lớn cho ĐTQG, thì con số của Ballack mãi dừng lại ở 98. Nhưng đó là điều mà người đàn ông ấy lựa chọn, như chính số áo 13 vĩ đại nhưng đầy dở dang.
Độc giả Ngọc Anh - TP. Thái Nguyên
Xin mời độc giả tiếp tục gửi những bài viết tâm huyết đến chúng tôi, cùng chia sẻ đam mê với trái bóng tròn. Chi tiết xem TẠI ĐÂY.