Chơi bóng ma tưởng chừng là cách chơi bóng giải trí, nhưng đây đích thực là chiến thuật của đa số đội tuyển bóng đá chuyên nghiệp.
1. Chơi bóng ma là như thế nào?
Có thể thường thấy các tuyển thủ chơi bóng theo nhóm nhỏ, chuyền qua lại cho nhau. Thực tế, cách chơi này có thể được gọi là 'đá bóng ma'.
Cụ thể, một cầu thủ sẽ đóng vai trò là "ma" chạy ở giữa vòng tròn. Các cầu thủ tạo thành vòng tròn sẽ chuyền bóng cho nhau. Nhưng nếu cầu thủ "ma" chạm được vào trái bóng đi từ phía một cầu thủ khác, cầu thủ này sẽ thay cầu thủ ma cũ để ở bên trong vòng tròn.
Nói một cách dễ hiểu, sẽ có 1 cầu thủ cố gắng chạm được bóng để thoát khỏi vai trò "ma" đuổi theo bóng. Trong khi số người còn lại sẽ cố gắng chơi bóng "một chạm" bằng cách chuyền bóng liên tục và qua lại sao cho 'cầu thủ ở trong vòng' không thể chạm được bóng. Khi áp dụng vào trận đấu chính thức, cầu thủ 'ma' có vai trò là đối thủ.
Hình thức chơi bóng ma có thể được coi là nền tảng cho lối chơi Tiki Taka khi vào trận đá chính thức. Đây là lối chơi bóng ngắn, ít chạm, được cho là lối chơi "đập nhả" cực kì đẹp mắt. FC Barcelona là đội bóng thực hiện lối chơi này thành công nhất.
2. Tại sao lại tập luyện bằng cách "chơi bóng ma"
Ở các đội bóng chuyên nghiệp, các cầu thủ thường xuyên chơi bóng theo nhóm nhỏ và "chơi bóng ma" (theo cách gọi ở Việt Nam).
Bằng cách chơi bóng "một chạm, chuyền nhanh", các cầu thủ như đang tạo ra một cách chơi bóng nhuần nhuyễn và kỹ thuật.
Không chỉ vậy, từ cách chơi này, cầu thủ cũng cải thiện được cách di chuyển, tạo khoảng trống và cự ly, hay liên lạc với đồng đội bằng tay, mắt, cử chỉ và giọng nói.
Tất cả để góp phần tạo nên lối chơi hiệu quả cho toàn đội.
Mỗi lần tập trung các cầu thủ để chuẩn bị cho giải đấu, mới nhất như Vòng loại World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam cũng thường xuyên luyện tập cách chơi bóng ma theo từng nhóm nhỏ.
Nhiều cầu thủ trở nên rất hiểu nhau trong từng pha bóng vì thường xuyên tập luyện cùng nhau như Đình Trọng và Tiến Dũng 04 (đặc biệt ở VCK U23 Châu Á).