Jose Mourinho và Pep Guardiola từng tạo nên cuộc đối đầu tay đôi hấp dẫn nhất trên băng ghế huấn luyện, có ý kiến cho rằng HLV của Tottenham đã hết thời còn đối thủ của ông bắt đầu thoái trào.
VIDEO: Mourinho và thành công ở Inter Milan
Mourinho đã hết thời và Pep bắt đầu thoái trào. Thật khó để phủ nhận quan điểm đó bởi ở thời điểm này Mourinho phải nhận những kết quả không tốt cùng Tottenham, còn Pep thì hụt hơi trong cuộc đua đến ngôi vô địch Ngoại hạng Anh mùa giải này.
Thế nhưng nếu phải chọn ra bậc 'tông sư' trong bóng đá đương đại, thì sẽ thật thiển cận nếu gạt bỏ Mourinho và Pep Guardiola để chọn ra cái tên khác. Thậm chí, hai HLV này xứng đáng được coi là những nhà cách mạng tạo nên thứ bóng đá hiện đại trong những năm gần đây, bất chấp Mourinho bị coi là đã hết thời còn Man City dưới tay Pep đang gặp những rắc rối.
Tấn công hay phòng ngự?
Bóng đá luôn luôn là câu chuyện của tấn công và phòng ngự, nếu có một đội bóng chơi cân bằng thì đó là sự kết hợp của hai trường phái này chứ chẳng phải thứ gì khác biệt hoàn toàn. Mourinho và Pep Guardiola chính là 2 đại diện tiêu biểu nhất của hai trường phái đối lập của bóng đá. Vậy tấn công có trước hay phòng ngự có trước?
Đương nhiên tấn công luôn sinh ra trước khi có phòng ngự, bởi nếu đối thủ không tấn công thì người phòng ngự chẳng có cơ sở nào để nghiên cứu ra cách phá giải. Nhưng trong câu chuyện giữa Mourinho và Pep Guardiola thì HLV đại diện cho phòng ngự lại bước ra ánh sáng trước người đồng nghiệp Tây Ban Nha.
Không có gì là bất thường ở đây, bởi thứ triết lý ban đầu mà Mourinho theo đuổi sinh ra không phải là để đối phó với Pep Guardiola.
Phát kiến của Mourinho: Tiền đạo cũng phải biết phòng ngự
Vào thời điểm Mourinho bắt đầu sự nghiệp cầm quân, sơ đồ chiến thuật phổ biến nhất, thịnh hành nhất là 4-4-2. Vị HLV trẻ với cá tính mạnh mẽ có một suy nghĩ rất khác người rằng trên hàng công mà có 2 tiền đạo là quá nhiều. Với ông, 1 tiền đạo là đủ và 2 cầu thủ chạy cánh trên hàng công là quân bài cực kỳ quan trọng trong việc triển khai phản công.
Đó là cơ sở để Mourinho sử dụng sơ đồ 4-3-3. Ông lựa chọn lối chơi phòng ngự phản công. Điều này không mới mẻ, nhưng Mourinho đã đưa vào thêm cho lối đá này một điều khác biệt so với những tín đồ phòng ngự trước kia: tiền đạo cũng phải biết phòng ngự.
Khi đội nhà mất bóng, tiền đạo cắm của Mourinho không được phép lười biếng chờ đợi đồng đội giành lại quyền kiểm soát rồi cung cấp bóng cho anh ta. Tiền đạo của Mourinho, hay sau này là cả tiền vệ công trong sơ đồ 4-2-3-1 cũng phải biết lui về hỗ trợ phòng ngự. Đó là lý do Mourinho không bao giờ ưa dùng những số 10 cổ điển chỉ biết tấn công.
Mourinho đặc biệt đánh giá cao những tiền đạo có ý thức hỗ trợ phòng ngự. Điều đó thể hiện trong bản phân tích đội hình Barcelona khi Chelsea của Mourinho lọt vào vòng 16 đội Champions League mùa 2005/2006.
Hầu hết cả đội Barca bao gồm Ronaldinho và Messi đều bị 'dính' một điểm trừ là yếu về phòng ngự. Chỉ duy nhất Samuel Eto'o (học trò sau này của Mourinho tại Inter Milan) là hoàn hảo trong mắt HLV người Bồ Đào Nha.
Phần viết về tiền đạo người Cameroon có nội dung: "Bùng nổ và xông xáo khi có hay không có bóng. Kỹ thuật ở không gian hẹp. Bắt kịp, tin tưởng và duy trì nhịp độ mãnh liệt trong suốt trận đấu. Biết cách chơi bóng ở ranh giới việt vị nhưng đồng thời biết cách đóng góp vào tổ chức lối chơi - làm tường bóng ngắn hoặc lôi kéo tạo khoảng trống giữa các tuyến. Sút ở mọi vị trí mà không cần chuẩn bị. Phòng ngự rất mạnh. Tích cực hoạt động ở phần sân đối phương. Là tuyến đầu buộc đối phương mắc sai lầm hoặc chuyền về cho thủ môn."
Những phẩm chất này quả thật là những điều Mourinho mong chờ nhất ở một tiền đạo. Thật khó để tìm ra một tiền đạo thuộc diện 'trò cưng' của ông mà không có những phẩm chất trên.
Những phát kiến thực sự trong bóng đá luôn tạo ra các hiện tượng. 'Hiện tượng' (phenomenon) mà người viết muốn đề cập là sự áp đảo của một triết lý hay chiến thuật trong bóng đá đỉnh cao với thời gian đủ lâu và có sức ảnh hưởng đến cách vận hành chung của các đội bóng khác, khiến những tập thể bị khuất phục phải thay đổi theo chiều hướng mà hiện tượng ấy tạo ra.
Phát kiến của Mourinho nên được chia làm 2 giai đoạn, gắn liền với 2 chức vô địch Champions League mà ông giành được. Và 'tiền đạo cũng phải biết phòng ngự' đã đem về cho Người Đặc biệt chiếc cúp C1 đầu tiên. Phần còn lại trong phát kiến của Mourinho sẽ được trình bày ở những phần dưới đây, bởi phần này sinh ra là để đối phó với những điều mà Pep Guardiola đem lại.
Phát kiến của Pep: Hậu vệ cũng phải biết xây dựng lối chơi và Tiki-taka
Đầy đủ hơn, thủ môn của Pep Guardiola cũng phải biết chuyền bóng, các trung vệ cũng phải xây dựng lối chơi từ tuyến dưới. Đi kèm với ý tưởng này, Pep đề ra triết lý Tiki-taka (chuyền & chạy), một sự kế thừa của 'bóng đá toàn tấu' (total football). Thuật ngữ 'total football' khi về Việt Nam thường được dịch thành 'bóng đá tổng lực' và dẫn đến sự hiểu lầm rằng cả đội bóng sẽ dồn hết lên tấn công.
Nhưng thực tế 'total' (tiếng Hà Lan: totaal) còn có nghĩa là 'tổng quát' (overall), và trong âm nhạc thì total đồng nghĩa với 'tutti' (toàn tấu). Bóng đá toàn tấu được huyền thoại Rinus Michels sáng tạo ra và là tôn chỉ cho trường phái Barcajax (ghép tên của 2 CLB chịu ảnh hưởng của ông là Barcelona và Ajax Amsterdam).
Để thực hiện được total football, HLV phải sở hữu trong tay những cầu thủ đồng đều về chất lượng, về lối chơi, về cách di chuyển và là những bậc thầy về kỹ thuật. Tuy nhiên, cầu thủ không phải là cỗ máy, dù kiệt xuất đến mấy thì yếu tố phong độ cùng sai lầm cá nhân luôn khiến cho một tập thể khó đạt đến đỉnh cao của triết lý total football.
Để khắc phục hạn chế đó, Pep Guardiola đã tạo ra 'bản rút gọn' mang tên Tiki-taka. Có ý kiến cho rằng đây là bản nâng cấp của total football, có người lại coi đây là phiên bản total football chưa hoàn thiện. Nhưng dù thế nào, Tiki-taka của Pep vẫn là sự kế thừa của trường phái Barcajax.
Tiki-taka của Pep vẫn xây dựng lối chơi từ phần sân nhà, nhưng thay vì yêu cầu các cầu thủ di chuyển liên tục, chuyền bóng liên tục thì các cầu thủ Barcelona dưới tay Pep đã có những đường chuyền rườm rà một cách có ý đồ. Họ ru ngủ đối phương và bất ngờ tăng tốc bằng những tình huống phối hợp đẹp mắt, đây là khoảnh khắc mà total football xuất hiện trong cái gọi là Tiki-taka.
Việc không duy trì total football cả trận đã khắc phục nhược điểm về thể lực cho các cầu thủ trong một mùa giải kéo dài. Nhờ Tiki-taka cùng những ngôi sao kiệt xuất như Messi, Xavi hay Iniesta mà Pep đã có được 2 chức vô địch Champions League cùng Barcelona.
Cuộc báo thù và 7 phản đề bóng đá Mourinho
Lần này, những nét mới trong triết lý phòng ngự của Mourinho đã hướng tới những đối tượng cụ thể: Pep Guardiola, Barcelona và rộng hơn là Barcajax. Điều này xuất phát từ mối quan hệ giữa Mourinho và CLB xứ Catalunya, chúng ta có thể gói gọn mối quan hệ này bằng 4 chữ 'trở mặt thành thù'.
Mourinho từng là thành viên của Barcelona khi được thuê làm phiên dịch cho HLV Sir Bobby Robson. Tại đây, chàng phiên dịch trẻ được giao cho không ít công việc mang tính chuyên môn: lên kế hoạch tập luyện và giảng giải chiến thuật cho các cầu thủ (đội hình Barca khi đó còn có Pep Guardiola và Luis Enrique), phân tích lối chơi của đối thủ trước mỗi trận đấu. Đến thời Louis van Gaal, Mourinho thậm chí còn được giao cho dẫn dắt Barca tại Copa Catalunya.
Những kinh nghiệm quý báu đó đã giúp Mourinho gặt hái được vô số thành công sau này và trở thành một trong những HLV giỏi nhất thế giới. Sau khi thành danh, Mourinho vẫn yêu mến Barcelona và không loại trừ khả năng trở về đội bóng cũ. Tình cảm chỉ thực sự rạn nứt vào mùa hè 2008, khi Mourinho đang thất nghiệp còn Barca đang cần tìm HLV mới.
Mourinho đã rất hy vọng với tư cách là người cũ cộng thêm danh tiếng mà ông đã khẳng định thì Barca sẽ chọn ông. Nhưng không, họ gạt một cái tên đình đám để chọn một HLV trẻ măng tên là Joseph 'Pep' Guardiola. Điều vô lý ấy chẳng khác nào Barca hất nước lạnh vào mặt Mourinho.
Nhưng Barcelona có lý do của họ. Đội bóng này thực chất không chọn HLV, mà họ chọn cả một triết lý, dù là Pep hay ai không quan trọng mà chỉ cần HLV mới chia sẻ chung triết lý với trường phái Barcajax. Đối với Barca, Mourinho cùng triết lý phòng ngự, đơn giản là một kẻ 'bàng môn tả đạo'.
Mourinho không cam tâm, và ông quyết định: đã đối lập thì phải đối lập đến cùng. HLV người Bồ Đào Nha đã xây dựng một hệ thống triết lý bóng đá để chống lại Barca, tạm gọi là '7 phản đề bóng đá của Mourinho' bao gồm:
1) Đội phạm ít sai lầm hơn sẽ thắng trận.
2) Lợi thế thuộc về đội khiến đối thủ phạm nhiều sai lầm hơn.
3) Trên sân khách, thay vì chơi hay hơn đối thủ, tốt hơn là khiến họ phạm sai lầm.
4) Ai có bóng thì dễ phạm sai lầm.
5) Ai cầm bóng ít hơn thì ít khả năng phạm sai lầm hơn.
6) Ai có bóng thì phải sợ mất bóng.
7) Ai không có bóng vì thế sẽ mạnh hơn.
7 phản đề này của Mourinho có thể không có quá nhiều mới mẻ hay thậm chí là có những điểm trùng lặp so với những lý thuyết phòng ngự cũ. Nhưng thực tế, Mourinho đã hệ thống hóa lại những điều cốt yếu nhất trong việc phòng ngự, đề ra mục tiêu rõ ràng trong việc dựng lên hệ thống phòng thủ cũng như biến nhược điểm 'không có bóng' thành lợi thế. Nói cách khác, việc không có quyền kiểm soát ở đây là chủ động thay vì bị động.
Mourinho thắng thế rồi thoái trào, Pep tự cải cách lối chơi
Kể từ đó, mỗi khi đội bóng của Mourinho (ban đầu là Inter Milan, sau này là Real Madrid) gặp Barca thì luôn thể hiện lối chơi tiêu cực hơn hẳn so với lúc đối đầu các đội bóng khác. Và ông đã thành công.
Inter Milan của Mourinho đã thắng nghẹt thở Barca đang trong giai đoạn đỉnh cao với Tiki-taka tại bán kết Champions League 2009/2010. Phép phòng thủ 3 mặt của 'Interinho' khiến Barca bị bịt mất 3 hướng triển khai bóng, chỉ còn hướng chuyền về. Cuối mùa Inter Milan giành cú ăn ba, Mourinho đã chứng tỏ cho Barca thấy ông không thua gì Pep và thậm chí đã đánh bại Pep. Lúc ấy Mourinho đã rất thỏa mãn.
Ngay mùa sau, Mourinho chuyển tới Real và có cơ hội 'trả thù' Barca nhiều hơn. Nhưng khi mới chân ướt chân ráo tới Madrid, các học trò chưa thấm nhuần 7 phản đề của Mourinho thì Pep đã hạ Real 5-0 trong trận El Clasico đầu tiên. Chỉ một thời gian sau, 'Real Moudrid' mới gây khó khăn cho Barca, chấm dứt 3 năm liên tiếp vô địch La Liga của đội bóng xứ tự trị.
Thế nhưng, việc đề ra những lý thuyết để nhằm vào một đội bóng và một trường phái đã giết chết óc tính toán và sáng tạo của Jose Mourinho. Triết lý của ông vẫn mãi dừng lại ở việc khống chế Tiki-taka trong khi thế giới bên ngoài Tây Ban Nha đang dần kết hợp những phát hiện của cả Mourinho và Pep. Đó là lý do Real Madrid của Mourinho không thể một lần vào chung kết Champions League.
Về phần Pep Guardiola, Tiki-taka của ông dần bước vào giai đoạn thoái trào và trở nên lỗi thời. Không chỉ Barcelona sử dụng triết lý này, đội tuyển Tây Ban Nha thời điểm đó cũng thăng hoa nhờ Tiki-taka với 2 chức vô địch World Cup 2014 và Euro 2012 (Tây Ban Nha ở Euro 2008 chưa áp dụng triết lý của Barca).
Vì vậy, Tiki-taka nguyên bản bị khai tử đến 2 lần, một ở cấp độ CLB, một ở cấp độ ĐTQG. Ở lần đầu tiên năm 2013, Barcelona của Vilanova (trợ lý được Pep tiến cử sau khi ông quyết định tìm thử thách mới) vẫn trung thành với Tiki-taka đã gục ngã trước Bayern Munich. Đội bóng nước Đức phòng ngự có tổ chức như cách Mourinho đối phó Barca, nhưng sự chủ động của Bayern không chỉ ở việc phòng ngự, họ tích cực áp sát khiến hàng tiền vệ Barca không thể thoải mái tìm ra kẽ hở trong hệ thống phòng ngự.
Kết quả là Barca bị loại khỏi bán kết Champions League năm đó với 7 bàn thua trắng sau 2 lượt trận. Điều đáng nói là họ vẫn cầm bóng nhiều hơn, nhưng rốt cuộc điều đó lại đồng nghĩa Barca tự câu giờ với chính mình, trong khi Bayern Munich không mất nhiều thời gian chuyền bóng qua lại để tìm đến khung thành đối phương. Họ miệt mài áp sát tuyến giữa của Barca nhưng đảm bảo rằng khoảng trống phía sau đã được khỏa lấp.
Lần sụp đổ thứ hai ở cấp ĐTQG, cũng trong năm đó Tiki-taka của Tây Ban Nha hết phép trước Brazil với những bậc thầy tốc độ (tương tự Robben và Ribery của Bayern) cùng tuyến giữa cơ bắp, đủ để không cho phép các nghệ sĩ như Xavi và Iniesta trình diễn. Brazil hạ Tây Ban Nha 3-0 ở chung kết Confederations Cup với tỷ lệ kiểm soát gần như cân bằng. Điều khác biệt là Tây Ban Nha cầm bóng bằng cách chuyền qua lại, trong khi các cầu thủ Brazil tích cực cầm bóng đột phá nhờ kỹ thuật cá nhân hoặc phối hợp cùng nhau.
Điểm chung của Bayern Munich và Brazil lúc đó là cùng chọn lối chơi thực dụng nhưng mạnh dạn và tự tin hơn so với cách phòng ngự có phần tiêu cực như của Mourinho. Ở thời điểm này, cả Tiki-taka của Pep và cách phòng ngự của Mourinho đã thực sự lỗi thời.
Thế nhưng cách xử lý của Mourinho và Pep Guardiola lại khác nhau. Mourinho gần như không có sự thay đổi để trở nên phù hợp hơn với bóng đá hiện đại và đã sa lầy ở Chelsea, Man Utd và giờ là Tottenham. Ông từng phát biểu trong quãng thời san sau khi bị MU sa thải rằng sẽ thay đổi, nhưng phải chăng ông đến Tottenham đúng giai đoạn khủng hoảng nên chưa thể hiện được nhiều?
Về phần Pep, thời gian ông trở lại để tiếp quản Bayern Munich không cho thấy sự cải tiến. Nhưng khi đến với Man City, có thể thấy đội bóng của HLV người Tây Ban Nha không còn có quá nhiều đường chuyền 'ru ngủ', bớt đi những đường chuyền ngang sân mà thay vào đó là những đường chuyền theo chiều dọc sân. Thế nhưng, như vậy là chưa đủ để Pep thoát khỏi sự bão hòa về mặt triết lý của bóng đá đương đại.
Sự bão hòa này được góp công không nhỏ bởi chính ông cùng Mourinho. Chính ông là người đề cao việc sử dụng những hậu vệ không chỉ biết phá bóng lên trên, trong khi đó Mourinho là người khởi xướng cho việc phòng ngự từ tuyến đầu. Đó là hai dấu hiệu nổi bật nhất cho thấy đóng góp của hai 'nhà cách mạng bóng đá' Jose Mourinho và Pep Guardiola. Có thể nhận thấy, đa phần các đội bóng mạnh ở thời điểm này đều thay đổi cách lựa chọn cầu thủ tấn công và phòng ngự theo hướng của hai HLV trên, dù có thể chàng tiền đạo của họ không hoàn hảo như Mourinho yêu cầu hay hậu vệ của những CLB đó không chuyền bóng chính xác như mong muốn của Pep.
Có thể nói, bóng đá đương đại đầu thế kỷ 21 được hình thành từ hai nhà cách mạng Jose Mourinho và Pep Guardiola. Có thể họ không còn thể hiện sự vượt trội như ban đầu, nhưng hai vị HLV này đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong dòng chảy lịch sử bóng đá.
Bài viết của độc giả Huyền Minh đến từ Bắc Ninh.
Xin mời độc giả tiếp tục gửi những bài viết tâm huyết đến chúng tôi, cùng chia sẻ đam mê với trái bóng tròn. Chi tiết xem TẠI ĐÂY.