Không kể lái mới hay lái lâu năm, 10 lưu ý dưới đây vẫn cần thiết cho tài xế để lái xe an toàn và tự tin trên mọi chặng đường.
1. Luôn luôn thắt dây an toàn
Điều đầu tiên tài xế cũng như các hành khách nên làm khi bước lên xe ô tô đó là phải thắt dây an toàn. Bởi khi thắt dây an toàn và thắt đúng cách sẽ giúp giảm tới 45% nguy cơ gây thương tích cho hành khách ngồi ghế trước.
Đồng thời, việc thắt dây an toàn cũng giúp giảm 50% nguy cơ bị chấn thương từ trung bình đến nghiêm trọng cho hành khách ngồi trên xe. Do vậy, đây là việc làm mà bất cứ ai ngồi trên xe ô tô đều nên ghi nhớ và luôn có ý thức tự thực hiện để bảo vệ an toàn cho chính mình.
2. Kiểm soát tốc độ trong giới hạn cho phép
Với người cầm lái, điều luôn luôn phải ghi nhớ đó là kiểm soát tốc độ trong giới hạn cho phép hoặc thấp hơn nếu di chuyển trên địa hình trơn trượt, đường hẹp hoặc nhiều gió.
Bởi theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới công bố, việc tăng tốc độ xe trung bình chỉ 1km/h sẽ làm tăng 3% tỷ lệ tai nạn có chấn thương và 4 - 5% tỷ lệ tai nạn chết người. Vì vậy, việc kiểm soát tốc độ trong giới hạn cho phép thực sự có ý nghĩa rất lớn đối với tất cả mọi người khi tham gia giao thông.
3. Giữ khoảng cách an toàn giữa các xe
Thực tế trên các tuyến đường cao tốc đa làn, làn đường vượt thường được thiết kế riêng để các phương tiện có thể vượt lên trước và dễ dàng di chuyển về làn cũ. Tuy nhiên, thay vì di chuyển trên làn đường vượt suốt cả hành trình, việc chia sẻ làn đường vượt sẽ giúp lái xe và hành khách hạn chế va chạm với những tài xế phóng nhanh vượt ẩu.
Đặc biệt, với những tài xế thích bám sát phương tiện phía trước và liên tục nháy đèn pha xin vượt thì thói quen này thực sự rất nguy hiểm, nó thậm chí có thể khiến cho việc xử lý tình huống của tài xế trở nên chậm chạp và luống cuống hơn.
4. Luôn mang theo đầy đủ giấy tờ xe
Trước khi di chuyển, hãy luôn chắc chắn rằng bạn đã mang theo đầy đủ giấy tờ cần thiết. Trong đó sẽ bao gồm giấy phép lái xe, bản sao bảo hiểm, giấy đăng ký phương tiện và bộ thông tin khẩn cấp. Những loại giấy tờ này sẽ giúp bạn tránh khỏi những rắc rối khi xảy ra va chạm hoặc sự kiểm tra của CSGT khi di chuyển trên đường.
5. Giữ khoảng cách và di chuyển chậm trong giờ cao điểm, trên các tuyến đường đông đúc
Trong giờ cao điểm hay trên những tuyến đường đông đúc, tài xế nên di chuyển chậm và chú ý quan sát xung quanh. Việc di chuyển chậm hơn so với tốc độ bình thường này có thể khiến tài xế khó chịu và thời gian di chuyển bị kéo dài hơn.
Thế nhưng, di chuyển chậm và giữ khoảng cách an toàn ở những địa điểm, hoàn cảnh như trên sẽ giúp tài xế có đủ thời gian phản ứng với những trường hợp bất ngờ xảy ra. Trên thực tế, tài xế nên giữ khoảng cách theo quy tắc khoảng cách 3 thân xe là đảm bảo nhất.
6. Sử dụng hệ thống ABS
Hệ thống chống bó cứng phanh ABS thực sự là hệ thống hữu ích đối với tài xế, đặc biệt là những tài xế mới. Bởi hệ thống này sẽ giúp người lái kiểm soát vô lăng và duy trì sự ổn định của phương tiện bằng cách giữ bánh xe không bị khóa và trượt trên bề mặt đường.
Theo đó, khi hệ thống chống bó cứng phanh ABS được kích hoạt, người lái sẽ nghe thấy tiếng bánh xe khóa và mở, chân phanh sẽ rung nhẹ. Đây chính là cách hệ thống này tự vận hành khi người lái đạp phanh gấp.
7. Tập trung cao độ khi lái xe
Một trong những lưu ý vô cùng quan trọng tài xế nên ghi nhớ đó là tập trung cao độ khi lái xe. Bởi nếu để tâm trạng bị phân tâm khi lái xe sẽ dẫn đến những tai nạn, va chạm không mong muốn.
Mặc dù trên nhiều dòng xe ô tô hiện nay được trang bị hệ thống điều khiển và kích hoạt bằng giọng nói như SYNC 3 với mục đích giúp giảm thiểu những tác nhân gây mất tập trung cho người lái. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất giúp lái xe an toàn vẫn là ý thức và sự tự giác tập trung của người lái.
8. Không sử dụng điện thoại khi đang lái xe
Sử dụng điện thoại khi đang lái xe là thói quen của rất nhiều tài xế hiện nay. Theo đó, tài xế có thể đặt điện thoại trên chân, kẹp giữa vai và tai để tiếp tục cuộc trò chuyện của mình.
Đây được xem là hành động hết sức nguy hiểm mà các tài xế nên học cách từ bỏ hoặc hạn chế tối đa. Bên cạnh đó, tài xế có thể kết nối điện thoại đến một số thiết bị hiện đại để không cần phải cầm điện thoại nhưng vẫn có thể trao đổi thông tin và đảm bảo an toàn tối đa khi lái xe.
9. Cẩn thận khi lái xe vào ban đêm
Lái xe vào ban đêm yêu cầu tài xế cần có những kỹ năng quan trọng và phức tạp hơn so với việc lái xe vào ban ngày. Vì thực tế vào ban đêm, người lái sẽ khó đánh giá khoảng cách cũng như phát hiện các mối nguy hiểm ở phía trước so với điều kiện bình thường.
Hơn thế nữa, ánh sáng từ đèn pha của xe đi ngược chiều cũng khiến tài xế bị chói mắt. Vì vậy khi lái xe vào ban đêm, bạn nên giảm tốc độ và di chuyển chậm hơn so với ban ngày để có thể xử lý tình huống tốt nhất, đảm bảo an toàn cho những người ngồi trên xe.
10. Hiểu rõ phương tiện của bạn
Lưu ý xếp ở vị trí cuối cùng nhưng có ý nghĩa không kém phần quan trọng đó là luôn hiểu rõ phương tiện của mình. Các tài xế nên chắc chắn rằng bản thân đã có đầy đủ kiến thức cơ bản về quy trình xử lý các tình huống khi gặp tai nạn.
Bên cạnh đó, tài xế điều khiển xe cũng nên có kỹ năng bật đèn cảnh báo khẩn cấp, tắt động cơ và kiểm tra tình trạng của các hành khách trên xe khi xảy ra bất cứ vấn đề gì.
Tất cả những lưu ý trên đây tài xế điều khiển xe ô tô nên "thuộc nằm lòng" để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình cũng như hành khách trên xe trong suốt mỗi hành trình.
5 thói quen tai hại của tài xế khiến ô tô "ăn xăng" vô tội vạ
10 mẹo hữu ích cho tài xế mới mà trường học lái xe không dạy bạn