Xanh SM vượt mặt nhiều đối thủ sừng sỏ tại Việt Nam để nắm giữ tỷ lệ thị phần cao thứ hai trên thị trường đặt xe công nghệ.
Nội dung chính
Trong nhiều năm, thị trường đặt xe công nghệ tại Việt Nam chủ yếu là cuộc chiến giữa ba ông lớn: Grab, Be và Gojek. Đáng chú ý, Grab là hãng nắm giữ vị thế hàng đầu với hơn 50% thị phần sau khi thâu tóm Uber Đông Nam Á.
Vào tháng 3/2023, thị trường chào đón một tân binh đầy tiềm năng, đó là Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM), được sự hậu thuẫn của Chủ tịch Vingroup, tỷ phú Phạm Nhật Vượng. GSM không chỉ cung cấp dịch vụ cho thuê ôtô và xe máy điện mà còn tung ra Xanh SM, công ty gọi xe điện đầu tiên tại Việt Nam.
Bước vào một thị trường mới đầy cạnh tranh và có mức chi phí đầu tư cao, dự án ban đầu vấp phải nhiều hoài nghi về khả năng thành công và sức cạnh tranh. Tuy nhiên, trong chưa đầy một năm, GSM đã thay đổi cái nhìn của nhiều người, tăng tỷ lệ trong cơ cấu thị phần, chứng tỏ tiềm lực và nhận được sự chấp nhận từ thị trường.
Xanh SM vươn lên đứng thứ hai về thị phần đặt xe công nghệ
Một báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Modor Intelligence cho thấy Xanh SM đã nhanh chóng trở thành một thương hiệu hàng đầu trong ngành gọi xe công nghệ tại Việt Nam, đứng thứ hai chỉ sau Grab với hơn 18% thị phần vào quý IV/2023.
Sự vươn lên ngoạn mục này, với tỷ lệ thị phần gấp 2 đến 3 lần so với các đối thủ lâu năm như Be, Gojek, Mai Linh, và Vinasun, làm nhiều người liên tưởng tới "hiện tượng TikTok", nhưng là trong lĩnh vực gọi xe. Để đạt được mục tiêu này, Xanh SM đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nâng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên gần 6.200 tỷ đồng chỉ trong chưa đầy một năm.
Đầu tư mạnh mẽ
Dù ban đầu chỉ tập trung vào việc khai thác 10.000 ôtô điện trong năm 2023 với mô hình taxi điện, sự mở rộng nhanh chóng sang các dịch vụ mới và việc đưa xe máy điện VinFast vào hoạt động đã tăng cường đáng kể quy mô hoạt động của Xanh SM.
Vingroup báo cáo rằng GSM đã chi hơn 20.000 tỷ đồng cho việc mua phương tiện, đóng góp 70% vào doanh thu mảng sản xuất của tập đoàn. Trong khi đó, VinFast cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ đến từ việc bán xe cho GSM.
Với việc sở hữu 17.000 ôtô và 15.000 xe máy điện VinFast, cùng đội ngũ nhân sự gần 40.000 người, Xanh SM vẫn còn có quy mô nhỏ so với các đối thủ lớn như Grab, Be và Gojek. Tuy nhiên, so với các thương hiệu taxi truyền thống, hãng xe của Phạm Nhật Vượng đang tỏ ra vượt trội.
Xanh SM không chỉ đã mở rộng dịch vụ của mình khắp 35 tỉnh thành Việt Nam mà còn tiến quân sang Lào với kế hoạch triển khai 1.000 xe vào tháng 11/2023.
Hơn nữa, trong một cuộc gặp gỡ với Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vào tháng 1, GSM đã thể hiện tham vọng đầu tư lên đến 900 triệu USD tại Indonesia, đưa quốc gia này trở thành một thị trường đầy hứa hẹn trong tầm nhìn phát triển của họ.
Lý giải thành công của Xanh SM
Xanh SM nhanh chóng chiếm được thiện cảm từ thị trường nhờ vào việc tự chủ nguồn cung cấp phương tiện, một chiến lược tương tự như các công ty taxi truyền thống. Hãng tập trung vào việc sử dụng xe ô tô và xe máy điện VinFast, đảm bảo một tiêu chuẩn chất lượng nhất quán.
Quyết định áp dụng các phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường cũng tạo nên lợi thế về hình ảnh cho Xanh SM trong mắt người tiêu dùng. Sự xuất hiện của hãng gọi xe điện này đã thúc đẩy các đối thủ như Grab và Gojek bắt đầu thử nghiệm và tích hợp xe điện vào dịch vụ của họ.
Khả năng cung cấp một số lượng lớn phương tiện cũng giúp Xanh SM thu hút đội ngũ tài xế, đồng thời chính sách lương, thưởng và chiết khấu của hãng cũng được xem là cạnh tranh so với các đối thủ khác.
Chưa hết, một ưu điểm nữa của Xanh SM là hệ thống giá cước. Việc áp dụng một mức giá cố định giúp giảm thiểu biến động chi phí cho mỗi chuyến đi, không chỉ mang lại sự ổn định về giá mà còn thường xuyên rẻ hơn so với các dịch vụ gọi xe công nghệ khác, đặc biệt trong giờ cao điểm hoặc điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Xanh SM không chỉ tập trung vào việc mở rộng quy mô để chiếm lĩnh thị trường mà còn triển khai nhiều chính sách và chiến lược độc đáo để tăng sức cạnh tranh. Trước cả khi chính thức ra mắt, hãng đã hợp tác với Be Group, một trong những đối thủ cùng ngành, để cung cấp dịch vụ xe điện thông qua ứng dụng của Be. Điều này không chỉ mở rộng lựa chọn cho người dùng mà còn tăng cơ hội tiếp cận khách hàng cho Xanh SM.
Gần đây, công ty cũng công bố kế hoạch ra mắt Xanh SM Platform, một nền tảng kinh doanh chia sẻ dành cho chủ sở hữu xe điện VinFast. Động thái này không chỉ giúp tăng cường đội ngũ tài xế mà còn mở rộng độ phủ sóng của Xanh SM đến những khu vực chưa được khai thác.
Với khả năng phục vụ 160.000 chuyến đi mỗi ngày, Xanh SM đã vượt qua số lượng đặt xe của Be và Gojek, mặc dù vẫn chưa bằng 40% của Grab. Tính đến nay, sau gần một năm hoạt động, GSM đã phục vụ hơn 40 triệu lượt hành khách và đặt mục tiêu mở rộng ra toàn cầu với 9 thị trường mục tiêu vào năm 2025, bao gồm việc hợp nhất ứng dụng Xanh SM trên phạm vi toàn cầu.
Tiềm năng của thị trường đặt xe công nghệ tại Việt Nam
Báo cáo của Modor Intelligence ước tính thị trường gọi xe tại Việt Nam sẽ đạt 0,88 tỷ USD vào năm 2024 và tăng lên 2,16 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 19,5%.
Xu hướng tăng trưởng này được thúc đẩy bởi sự gia tăng dân số đô thị, thiếu hụt các lựa chọn giao thông công cộng, và tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Bên cạnh đó, việc mở cửa du lịch sau Covid-19 và sự xuất hiện của khách hàng trẻ, am hiểu công nghệ cũng là những yếu tố chính thúc đẩy thị trường gọi xe phát triển.