Indonesia là thị trường ô tô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, sở hữu nhiều tiềm năng trong việc sản xuất và kinh doanh xe điện.
Mới đây, vào ngày 15/02/2024, tại Triển lãm Ô tô Quốc tế Indonesia (IIMS) 2024, VinFast đã gây ấn tượng mạnh mẽ với việc ra mắt loạt sản phẩm xe điện từ phân khúc A-SUV đến E-SUV, bao gồm các mẫu xe VF 5, VF e34, VF 6, VF 7, VF 8 và VF 9.
Sự kiện này không chỉ đánh dấu bước tiến mới trong kế hoạch mở rộng toàn cầu của VinFast mà còn khẳng định cam kết của hãng đối với việc phát triển phương tiện giao thông bền vững, đặc biệt tại thị trường Indonesia.
Vì sao VinFast chọn Indonesia làm ‘bệ phóng’ tại khu vực Đông Nam Á?
VinFast đã chọn Indonesia là thị trường đầu tiên để giới thiệu sản phẩm với tay lái nghịch, là bước đi đầu tiên trong việc khẳng định năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm cũng như quyết tâm đưa giao thông xanh đến với mọi người.
Thị trường ô tô điện màu mỡ, nhiều dư địa phát triển
Indonesia, với dân số đạt 277 triệu người, đứng thứ tư trên thế giới, cũng là một trong những nền kinh tế phát triển mạnh mẽ nhất ở khu vực Đông Nam Á. Từ góc độ kinh doanh, đây là thị trường mà mọi hãng xe đều mong muốn được tham gia.
Doanh số bán ô tô tại Indonesia trong năm 2023 đã trải qua sự chững lại. Bộ trưởng Điều phối về Kinh tế Airlangga Hartarto hy vọng rằng con số này tại Indonesia trong năm nay sẽ cải thiện và đạt mốc một triệu xe.
Dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Indonesia (Gaikindo) ghi nhận rằng doanh số bán ô tô tại nước này trong năm ngoái chỉ đạt 1.005.802 đơn vị, tuy nhiên vẫn dẫn đầu Đông Nam Á.
Về thị trường xe điện, mặc dù thị trường tại đây vẫn còn chưa quá phát triển, nhưng lại được đánh giá là có tiềm năng to lớn với khả năng tăng trưởng ấn tượng qua từng năm.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Indonesia (GAIKINDO), doanh số bán ô tô điện tại quốc gia Đông Nam Á này đã tăng mạnh trong 3 năm qua. Năm 2010, chỉ có 125 chiếc EV được bán ra tại quốc gia này. Con số tăng lên 687 trong năm 2021 và tăng mạnh lên 10.327 xe vào năm 2022.
Năm ngoái, nước này ghi nhận doanh số bán ô tô điện là 15.400 chiếc và xe máy điện là khoảng 32.000 chiếc.
Theo Reuters, xe điện hiện chỉ chiếm chưa tới 1% tổng số ô tô đang lưu hành trên đường phố Indonesia.
Chính sách hỗ trợ xe điện từ chính phủ Indonesia
Chính phủ của Joko Widodo đã kết hợp sản xuất xe điện vào Kế hoạch tổng thể Tăng tốc và mở rộng phát triển kinh tế Indonesia 2011-2025 và vạch ra kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng xe điện.
Trước đó, Indonesia đã công bố ý định giảm thuế nhập khẩu từ 50% xuống 0 đối với các nhà sản xuất xe điện dự định đầu tư vào nước này.
Từ năm 2019, đất nước vạn đảo đã triển khai một loạt ưu đãi nhắm vào các nhà sản xuất xe điện, công ty vận tải và người tiêu dùng. Những ưu đãi này bao gồm việc giảm thuế nhập khẩu đối với máy móc và nguyên liệu sử dụng trong sản xuất xe điện và mang lại lợi ích miễn thuế trong tối đa 10 năm cho các nhà sản xuất xe điện đầu tư ít nhất 5 nghìn tỷ rupiah (tương đương 346 triệu USD) vào nước này.
Chính phủ Indonesia cũng đã giảm đáng kể thuế giá trị gia tăng đối với xe điện từ 11% xuống chỉ còn 1%.Để so sánh, động thái này đã khiến giá khởi điểm của chiếc Hyundai Ioniq 5 giảm đáng kể, từ hơn 51.000 USD (tương đương 1,25 tỷ đồng) xuống dưới 45.000 USD (tương đương 1,1 tỷ đồng).
Số lượng đối thủ chưa nhiều
Một yếu tố quan trọng tạo cơ hội cho VinFast cạnh tranh tại thị trường Indonesia đó là hiện tại, dù đã có một số thương hiệu gia nhập thị trường trước nhưng chỉ có 2 cái tên chiếm lĩnh thị phần lớn tại đây là Wuling Motors và Hyundai.
Theo số liệu của GAIKINDO, Wuling Motors chiếm đến 75% thị phần xe điện của Indonesia trong năm 2022, tiếp đến là Hyundai với 20% (toàn bộ doanh là của xe điện Ioniq 5), tiếp đến là Toyota với 1,4%.
Nguồn nguyên liệu sản xuất ô tô điện dồi dào, dễ tiếp cận
Lý do chính đằng sau việc thúc đẩy sản xuất xe điện là nguồn nguyên liệu thô dồi dào của Indonesia. Quốc gia này là một trong những nơi có trữ lượng niken hàng đầu thế giới, là thành phần quan trọng trong sản xuất pin lithium-ion, loại pin chủ yếu được sử dụng trong xe điện.
Dự trữ niken của Indonesia chiếm khoảng 22% - 24% tổng lượng dự trữ trên toàn thế giới. Ngoài ra, quốc gia này cũng có khả năng tiếp cận với coban - một loại nguyên liệu giúp tăng tuổi thọ pin xe điện và bauxite, được sử dụng trong sản xuất nhôm, một thành phần quan trọng trong sản xuất xe điện.
Việc có nguồn nguyên liệu thô dồi dào sẽ giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất. Theo thời gian, việc phát triển năng lực sản xuất xe điện của Indonesia có thể tăng cường xuất khẩu trong khu vực nếu nhu cầu về xe điện tăng mạnh tại các thị trường láng giềng.
Chính phủ Indonesia đã đặt mục tiêu sản xuất khoảng 600.000 xe điện vào năm 2030.