Tay vợt số 1 của cầu lông nữ Việt Nam - Nguyễn Thùy Linh đã có trận ra quân mĩ mãn tại Hàn Quốc Masters năm nay, nơi chị được xếp hạng hạt giống số 5.
Nội dung chính
Trong trận đấu ở vòng 1 Hàn Quốc Masters 2023 vừa kết thúc cách đây không lâu, tay vợt nữ số 1 của cầu lông nước nhà - Nguyễn Thùy Linh đã nhẹ nhàng vượt qua đối thủ người Đài Bắc Trung Hoa - Huang Ching Ping với tỉ số 2-0 (21-10; 21-17) chỉ sau hơn nửa tiếng tranh tài.
Đây là trận đấu mà Thùy Linh đã chứng tỏ vì sao chị đang nằm trong top 30, tiệm cận top 20 thế giới khi hoàn toàn chiếm thế chủ động, áp đảo trong phần lớn thời gian của trận đấu. Với chiến thắng này, hoa khôi của cầu lông Việt Nam sẽ đối đầu với 1 trong 2 đối thủ: Manami Suizu hoặc Lee Se Yeon ở vòng 1/8.
Dưới đây là 3 điều rút ra sau trận đấu của Thùy Linh ở vòng 1 Hàn Quốc Masters năm nay.
1. Sức mạnh đối thủ của Thùy Linh
Huang Ching Ping - tay vợt hạng 80 thế giới đã để thua 6/8 trận gần nhất, thường xuyên bị loại sớm ở các giải đấu tham dự. Thành tích đáng kể gần nhất của cô là việc có thể kéo nữ hoàng cầu lông Thái Lan - Ratchanok Intanon sang set 3 tại Úc mở rộng hồi tháng 8.
Tay vợt người Đài Bắc Trung Hoa cũng không thể hiện được quá nhiều điều trong trận đấu vừa rồi. Dù có thể hình khá ấn tượng và còn rất trẻ, Ching Ping không thể tận dụng điều này để đưa ra quá nhiều những cú đập chất lượng; trái lại, nó còn khiến tay vợt này di chuyển khá vất vả và không thể phản ứng nhanh các đường cầu từ đối thủ.
Những tình huống tấn công của tay vợt người Đài Bắc Trung Hoa khá lộ liễu và liên tục bị Thùy Linh bắt bài. Dù rất biết cách khai thác khu vực trái tay của đối thủ và đã có một vài điểm số ấn tượng, song việc không thể điều cầu tốt khiến những cơ hội như vậy xuất hiện không nhiều với Huang Ching Ping.
2. Lối đánh của Thùy Linh ngày càng đa dạng và hoàn thiện
Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Thùy Linh đã có bước tiến vượt bậc, liên tục gặt hái thành công ở những giải đấu gần nhất. Tay vợt số 1 của cầu lông nữ nước nhà sở hữu cách chơi rất hoa mỹ và đa dạng, liên tục điều cầu ở các vị trí khác nhau trên sân, buộc đối thủ phải di chuyển vất vả để rồi kết thúc bằng 1 cú đập cầu ngắn hoặc tung ra đòn bỏ nhỏ trứ danh.
Cảm giác cầu rất tốt giúp Linh đưa ra được những pha bỏ nhỏ rất ngọt, gây ra khó khăn ngay cả với những tay vợt danh tiếng của Trung Quốc như Chen Yu Fei, Zhang Yi Man. Đây cũng chính là điều đã khiến Huang Ching Ping liên tục mất điểm và phải nhận thất bại nhanh chóng.
3. Cần phải cẩn thận với việc đối thủ ép trái
Dù đã có sự tiến bộ vượt bậc về mặt lối chơi, song vẫn còn đó những hạn chế mà Thùy Linh cần cải thiện trong thời gian tới. Trong trận đấu vừa rồi, ngay ở những điểm số đầu tiên, Thùy Linh đã không thể phòng thủ trước những cú bạt cầu của đối thủ về phía trái tay.
Thậm chí sau khi được ban huấn luyện mách nước trong thời gian nghỉ giữa 2 set, phải đến 5-6 tình huống sau đó Huang Ching Ping duy trì việc phông cầu cuối sân, ép trái Thùy Linh. Tay vợt của chúng ta đã hạn chế được phần nào điều này nhờ những pha điều cầu thượng hạng, nhưng nếu tiến sâu tại giải đấu, đối mặt với những tay vợt có thực lực của cầu lông thế giới, đây có thể sẽ là điểm yếu chí tử của tay vợt quê Phú Thọ.
Do được xếp hạng hạt giống số 5, thử thách thực sự chỉ đến với Thùy Linh ở vòng tứ kết. Nhiều khả năng đối thủ ở vòng 8 tay vợt mạnh nhất của Linh sẽ là Kim Ga Eun - tay vợt hiện đang xếp trên Linh 2 bậc trên BXH.