Quảng cáo

Phân tích 2 bàn thắng của đội tuyển Việt Nam trước Nhật Bản: Khi điểm yếu lại là vũ khí tối thượng

Minh Đức Minh Đức
Thứ hai, 15/01/2024 11:23 AM (GMT+7)
A A+

Với việc ghi được 2 bàn thắng đều từ những tình huống không chiến, đội tuyển Việt Nam đã cho AFC thấy rằng, bài toán bất lợi chiều cao của đội tuyển Việt Nam hoàn toàn có thể giải được .

Bất ngờ xảy ra khi đội tuyển có thể hình thấp nhất Asian Cup 2023 lại ghi đến 2 bàn vào lưới ứng viên vô địch Nhật Bản, đều xuất phát từ những pha không chiến. Liệu đây chỉ là may mắn, hay đội tuyển Việt Nam của ông Troussier đã có những tính toán hoàn hảo để tạo nên bất ngờ trước người Nhật? 

Thanh Bình, Việt Anh chỉ là 'mồi nhử'

ĐTQG Việt Nam đã từng gây bất ngờ khi ghi bàn ở một tình huống phạt góc trước đội tuyển Nhật Bản ở vòng loại World Cup 2022. Và kịch bản đã lặp lại ở trận đấu hôm qua. Ở bàn thắng đầu tiên, pha đá phạt góc của Hùng Dũng là rất có ý đồ khi anh chủ đích tạt bóng về phía cột gần thay vì khu vực chính diện hay cột xa của khung thành đội tuyển Nhật Bản.

Quả tạt của Hùng Dũng đã khiến hàng thủ của Nhật Bản bất ngờ vì quả tạt này không hề hướng đến hai trung vệ có chiều cao tốt nhất của tuyển Việt Nam là Thanh Bình và Việt Anh. Thay vào đó, người đón được trái bóng là Đình Bắc với pha di chuyển cực kì khôn ngoan. Vị trí mà Đình Bắc chọn rất nhạy cảm, vì đây là khu vực mà trách nghiệm phòng ngự của các cầu thủ của đội tuyển Nhật Bản bị chồng chéo lên nhau.

NHM Việt Nam khi xem lại bàn thắng này có thể nhận ra khi trái bóng hướng đến cái đầu của Đình Bắc, 3 cầu thủ Nhật Bản đứng xung quanh anh đã rất bối rối và gần như đứng chôn chân vì họ không rõ người sẽ trực tiếp giải nguy tình huống đánh đầu của Đình Bắc là ai.

title-page-1-1705287132.jpg
Đình Bắc (khoanh tròn) đã có pha chạy chỗ thông minh khiến cho cả 3 cầu thủ Nhật Bản chôn chân. Ảnh: FPT Play.

Cũng cần phải nói thêm rằng, bên cạnh pha chạy chỗ thông minh, thì tình huống chạm đầu của Đình Bắc là quá nhạy cảm. Bàn thắng này làm NHM của đội tuyển nhớ lại pha lập công đáng nhớ của Lê Công Vinh vào lưới đội tuyển Thái Lan trong trận chung kết Tiger Cup năm 2008. Cũng là một pha di chuyển thông minh, và cũng là một pha đánh đầu ngược về góc xa vô cùng hiểm hóc không cho thủ thành đội bạn bất cứ cơ hội nào để cản phá. 

Sự ứng biến linh hoạt của 'Phù thủy trắng'

Tiếp đến là bàn thắng thứ 2 của đội tuyển Việt Nam. Nếu như ở bàn thắng đầu tiên, hai trung vệ Việt Anh và Thanh Bình chỉ đóng vai trò là ‘chim mồi’, thì ở bàn thắng thứ 2, Việt Anh và lần này là Minh Trọng mới đóng vai nhân vật chính trong tình huống này bên cạnh Tuấn Hải.

Được hưởng một tình huống đá phạt chếch ở phía bên trái của đội tuyển Nhật Bản, người được giao trọng trách thực hiện là chân tạt tốt nhất của đội tuyển Phan Tuấn Tài. Cách bố trí nhân sự tấn công trong tình huống này cũng được ông Troussier thay đổi, khi Minh Trọng và Việt Anh sẽ đứng ở các vị trí xa nhất thay vì đứng chính diện khung thành. Sự thay đổi này đã ngay lập tức đem lại tác dụng, khi Việt Anh đã bất thình lình lẻn ra phía sau lưng của Minh Trọng và thực hiện tình huống đánh đầu chiến thuật về phía Tuấn Hải đang di chuyển ở cột xa.

Pha bắt bóng lập bập của thủ thành Suzuki đã tạo cơ hội không thể hoàn hảo hơn cho Tuấn Hải tận dụng nâng tỉ số lên 2-1 cho đội tuyển Việt Nam. Vai trò của Minh Trọng trong tình huống này là rất quan trọng, khi anh không chỉ là người thu hút sự chú ý của các hậu vệ đội tuyển Nhật Bản nhằm tạo điều kiện cho Việt Anh băng lên, mà chính anh cũng là người chặn lại tình huống truy cản của các cầu thủ Nhật Bản, giúp Việt Anh có đủ không gian và thời gian để thoái mái bật cao đánh đầu.

title-page-1705287137.jpg
Việt Anh (khoanh tròn) đang lẻn ra sau lưng cầu thủ Nhật Bản để lấy đà bật cao đánh đầu. Ảnh: FPT Play.

Một điểm lợi thế khác của cách bố trí nhân sự này chính là việc Việt Anh sẽ khai thác tốt điểm mạnh chiều cao của mình khi theo kèm anh lúc này là một hậu vệ cánh có thể hình và chiều cao thua sút. Những trung vệ cao lớn nhất của đội tuyển Nhật Bản sẽ luôn túc trực ở các vị trí trung tâm của vòng cấm địa, để lại các vị trí xa hơn cho các tiền vệ hoặc hậu vệ cánh trấn giữ. Và để đương đầu với Việt Anh trong một tình huống không chiến đối với một hậu vệ cánh nhỏ con là điều gần như không thể. Ông Troussier chắc chắn hiểu rõ điều này hơn ai hết và những thay đổi của ông đã ngay lập tức phát huy tác dụng.

Chỉ cần 2 tình huống này cũng đủ để thấy rằng, đội tuyển Việt Nam đã được ông Troussier rèn luyện rất kĩ càng trong các buổi tập. Cả 2 pha lập công của đội tuyển đều là những tình huống tạt bóng và di chuyển rất có tính toán. Sự miệt mài, chăm chỉ trên sân tập của ông Troussier và các học trò đã có được thành quả, và hãy tin rằng đội tuyển Việt Nam sẽ còn làm nên nhiều bất ngờ với những tình huống “không chiến” ở những trận đấu sau.

Xem thêm