Đã có hàng ngàn, hàng vạn lời tiếc thương dành cho cựu danh thủ, cựu HLV của bóng đá Sài thành khi nghe tin trái tim của ông không còn đập nữa. Cũng là dễ hiểu, bởi ông là một Phạm Huỳnh Tam Lang huyền thoại nhưng rất bình dị, là Valery Lobalovskyi của bóng đá Việt Nam...
Nội dung chính
HLV Tam Lang với chức vô địch Merdeka
Lobalovskyi của Việt Nam
Chẳng nói quá rằng, cho đến giờ nhiều thế hệ cầu thủ, nhiều HLV của bóng đá Sài Gòn nói riêng hay BĐVN nói chung khi nhắc tới ông đều kính trọng gọi bằng ba tiếng: thày Tam Lang.
Là Đặng Trần Chỉnh, Nguyễn Hồng Phẩm, Ngầu Nại, Lư Đình Tuấn...của thế hệ trước, rồi kế là Nguyễn Văn Phụng, Hồng Sơn, Văn Lợi và sau này là những Văn Khải, Đại Đồng... hay rất nhiều cái tên khác.
Phạm Huỳnh Tam Lang
Với họ, nếu như không có thày Tam Lang sẽ chẳng bao giờ được như bây giờ. Nói đến ông, ai cũng có thể kể vanh vách những kỷ niệm với người thày đáng kính của mình.
Nói đến thày, tất cả đều dâng lên niềm cảm xúc khó tả. Bởi "thày Tam Lang" không chỉ đơn thuần là người dạy dỗ, còn là một người anh, một người cha, chú của họ.
Dìu dắt học trò của mình bằng cái tâm, của cái tầm HLV Phạm Huỳnh Tam Lang đã dựng cho bóng đá Sài thành, Việt Nam rất nhiều thành công, và để lại quá nhiều di sản chẳng kém gì huyền thoại của bóng đá Ukraina Lobalovskyi.
Thế nên, ngày ông rời cõi tạm với một quá khứ vinh quang, tất cả đều tiếc thương vô hạn.
Một huyền thoại bình dị
Rất nhiều vinh quang trong quá khứ, nhận được nhiều sự kính trọng của người trong giới nhưng bất cứ ai gặp, tiếp xúc với ông đều thấy ở đó sự bình dị của một người nông dân miền Tây hơn là một ngôi sao, một người nổi tiếng.
Gắn bó với sân Cộng Hòa rồi sau này đổi thành tên Thống Nhất bao năm, nhưng mỗi khi đến đây ông luôn khiêm nhường ngồi nơi ghế mời ít người nhận ra nhất.
HLV Tam Lang với các học trò Đình Tuấn, Trần Chỉnh
Cả đời cống hiến, cũng chẳng khi nào ông đòi hỏi quyền lợi cho bản thân, mà gần như luôn dành hoặc chia sẻ cùng với người khác mà theo nhiều học trò của ông rằng đôi khi là vô lý.
Chẳng hạn nhớ có lần, gọi điện cho để xin phỏng vấn, ông nói đang đi xe ô tô cùng đội từ miền Bắc về lại TP.HCM. Nghe chột dạ, bởi lúc đó cựu danh thủ này cũng chẳng còn khỏe với tuổi tác và bệnh tật rất nhiều.
Hỏi rằng sao chú không đi máy bay cho khỏe, khi đó là chế độ của CLB dành cho chú. Ông cười qua điện thoại rồi bảo: Đi như thế sao được, cả đội đi ô tô mà mình đi máy bay coi sao được. Vả lại chú cũng còn khỏe lắm.
Sau nhiều chuyến đi như thế với CLB BĐ TP.HCM (CLB Thành Long do bầu Hưng thành lập) cái chân của ông đau nhiều hơn, sức khỏe cũng yếu đi nhiều và đã có lúc phải ngụ ở bệnh viện Chợ Rẫy vài tháng trời mới hồi phục.
Rồi kể từ đó, sau nhiều lời khuyên của gia đình, bác sỹ HLV huyền thoại của bóng đá Việt Nam, bóng đá Sài Gòn cũng nghỉ hẳn khi sức khỏe không cho phép ông lăn lộn nhiều với sân cỏ - vốn càng sau càng toan tính, càng xấu xí.
Cùng những giấc mơ dang dở
Có lần, gặp ông bên lề giải thưởng vinh danh Fair play do báo Pháp luật TP.HCM tổ chức ông bảo rằng nuỗi tiếc nuối nhất vẫn là bóng đá Sài Gòn xuống dốc nhiều quá, bóng đá Việt Nam bạo lực nhiều quá.
Với chức vô địch cùng CSG. Ảnh: Bạch Dương
Đã có lúc, kể từ sau đạt được rất nhiều vinh quang với CSG ông đã muốn nghỉ ngơi hẳn. Nhưng cũng vì cái tâm, cái tình của bầu Hưng ông trở lại với giấc mơ phục hưng bóng đá Sài thành.
Tưởng chừng như giấc mơ ấy của cầu thủ từng được xếp vào đội hình những ngôi sao châu Á chung với hàng loạt tên tuổi lớn của bóng đá Triều Tiên, Hồng Kong thủa trước sẽ thành hiện thực khi giúp CLB BĐ TP.HCM từ hạng nhì lên hạng Nhất năm 2005.
Nhưng cách làm bóng đá nửa vời của ông chủ, rồi cả tính cách cũng như thói quen của lớp cầu thủ mới và vô vàn lý do khác đã khiến giấc mơ tạo dựng một CSG vinh quang thứ 2 của ông đổ vỡ.
Chia tay bóng đá với rất nhiều nỗi muộn phiền, dù chẳng phải do ông nhưng mỗi lần nói đến giấc mơ của mình, trung vệ thép một thời của BĐVN lại rơm rớm, và giọng chùng hẳn xuống.
Nhưng bây giờ, nỗi buồn ấy đã khép lại khi ông nằm xuống vào buổi sáng đầu mùa mưa của Sài Gòn. Chỉ còn lại những ánh hào quang, của đức độ và tài năng trong lòng người hâm mộ.
Vĩnh biệt ông, Phạm Huỳnh Tam Lang huyền thoại.
Vào 18 giờ ngày 3/6 lễ viếng cựu danh thủ, HLV Phạm Huỳnh Tam Lang sẽ được tổ chức tại nhà tang lễ TP.HCM. Sau đó, ngày 6/6 sẽ tổ chức an táng tại nghĩa trang Đa Phước (Bình Chánh).