Thể Thao 247 - Mở học viện bóng đá đẳng cấp mang tên chính mình, Lê Công Vinh tiếp tục có bước đi táo bạo khiến cả làng bóng Việt phải bất ngờ.
Khi kết thúc sự nghiệp cầu thủ, các cựu danh thủ bóng đá Việt Nam trong trường hợp còn muốn gắn bó với trái bóng thường chọn cho mình con đường an toàn là học một tấm bằng huấn luyện viên chuyên nghiệp rồi làm công tác đào tạo trẻ cho các đội bóng thi đấu ở V-League hay các trung tâm bóng đá trẻ có tiếng như PVF, Viettel, HAGL, SLNA...
Trung tâm bóng đá trẻ PVF được cho là lò đào tạo thu hút được nhiều cựu danh thủ của bóng đá Việt Nam nhất vào lúc này khi hội tụ những cái tên vang bóng một thời như Nguyễn Hữu Đang, Lê Quang Trãi, Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Việt Thắng, Lê Phước Tứ..., hay trung tâm Viettel thì có Nguyễn Hồng Sơn, Đặng Phương Nam, Nguyễn Hải Biên...
Thời gian gần đây, làng bóng Việt lại chứng kiến nhiều cựu danh thủ, cựu tuyển thủ mở các trung tâm bóng đá trẻ cộng đồng.
Người ta có thể kể tên trung tâm đào tạo trẻ của anh em nhà Văn Dũng - Văn Sỹ ở Ninh Bình có quy mô khoảng 7000 m2, trung tâm bóng đá trẻ Hà Nội HYS của các cựu tuyển thủ Nguyễn Đức Thắng, Lưu Danh Minh và Phạm Minh Đức, trung tâm bóng đá trẻ học đường của cựu trung vệ "trăm năm có một" (như lời HLV Calisto) Vũ Như Thành...
Các cầu thủ còn thi đấu như Vũ Minh Tuấn và Đinh Tiến Thành (Thanh Hóa) cũng đã dần khởi đầu nghiệp "gõ đầu trẻ" của mình với các trung tâm dạy đá bóng cho trẻ em ở quê nhà. Nhưng tựu trung lại, hầu hết các cựu danh thủ của bóng đá Việt Nam đều mở trung tâm bóng đá cộng đồng (dạy đá bóng cho trẻ em từ 6 tuổi) chứ chưa thể gọi là học viện bóng đá hay "lò đào tạo gà nòi" đúng nghĩa.
Nhưng rất có thể, vào tháng 6/2018 này một cựu danh thủ, cụ thể là Lê Công Vinh sẽ cho ra mắt một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ và "dám" gọi đó là học viện bóng đá quy mô đặt tại TP HCM. Đặc biệt, học viện bóng đá của quyền chủ tịch CLB TP.HCM Lê Công Vinh còn mang tên CV9 - biệt danh của Công Vinh khi còn là cầu thủ.
Với 51 bàn thắng trong 83 lần khoác áo ĐT Việt Nam, là cầu thủ nội ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử V-League (116 bàn), cái tên CV9 dường như đã là thương hiệu của riêng Công Vinh, ăn sâu vào tiềm thức những người yêu bóng đá Việt Nam. Lập học viện bóng đá và lấy tên CV9, Công Vinh mong muốn cảm hứng từ CV9 tiếp tục lan tỏa, trao cơ hội, chắp cánh cho các em trẻ có niềm đam mê bóng đá.
"Tôi mơ ước mở một học viện bóng đá trẻ từ lúc còn thi đấu. Nhưng đến lúc này (2 năm sau khi giải nghệ), tôi mới có thể hiện thực hóa giấc mơ của mình. Tôi luôn biết ơn lò đào tạo SLNA khi cho cuộc đời tôi đến với bóng đá và khi giờ mình có khả năng tôi muốn trao cơ hội cho những đứa trẻ đam mê bóng đá", Công Vinh chia sẻ.
Chi tiết về Học viện bóng đá CV9 chỉ được Công Vinh cùng cô vợ xinh đẹp Thủy Tiên tiết lộ trong cuộc họp báo dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 5/2018.
Nhưng riêng việc mời các chuyên gia nước ngoài lên giáo án huấn luyện, mời các HLV hàng đầu trong nước về làm công tác huấn luyện để xứng với quy mô của hai chữ "học viện", cho thấy lò đào tạo của quyền chủ tịch CLB TP HCM đang có tham vọng không hề thua kém với các trung tâm bóng đá trước đó của các cựu danh thủ.
Không chỉ chuẩn bị cho kế hoạch mở học viện sau khi giải nghệ, ngay từ khi còn thi đấu, Lê Công Vinh đã cố gắng đi học luật để trở thành một nhà quản lý bóng đá, để rồi sau đó nắm đội TP HCM với vị trí quyền chủ tịch và giờ là ông chủ của một học viện bóng đá trẻ.
Trong vai trò quyền chủ tịch CLB TP HCM, Công Vinh từng chia sẻ: "Ở Việt Nam, ông chủ CLB nào được như tôi" về kinh nghiệm hơn 15 năm chơi bóng, có bước đi táo bạo xây dựng một CLB chuyên nghiệp...
Lúc này, cũng có thể nói: "Ở Việt Nam, cựu danh thủ bóng đá Việt Nam nào được như Công Vinh" khi anh sắp có một học viện bóng đá mang tên mình và có cơ hội trở thành một Ủy viên ban chấp hành VFF khóa 8 ở kỳ đại hội sắp tới của VFF.