Học võ sẽ giúp ích cho trẻ phát triển cả về tư duy lẫn thể chất, nhưng lứa tuổi thích hợp để học bộ môn này không phải phụ huynh nào cũng biết.
Từ 4 tuổi trở đi, sự phối hợp giữa các cơ khớp và độ mềm dẻo của cơ thế bé phát triển tương đối nhanh. Độ tập trung, ghi nhớ, năng lực tư duy và điều khiển hành vi cũng đều được nâng cao một cách rõ rệt. Đây chính là điều kiện thuận lợi để bé bắt đầu làm quen với võ thuật.
Tuy vậy, năng lực tiếp thu và khả năng vận động của bé vẫn chưa hoàn thiện nên tốt nhất chỉ cho các bé học một số động tác hoặc tổ hợp võ thuật đơn giản. Đồng thời, lượng vận động cũng không thể quá nhiều. Khi bé luyện tập tại nhà, chỉ nên tập các động tác ngắn, thời gian tập không quá 30 phút.
Trẻ em học võ sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn (ảnh minh họa)
1. Ích lợi của việc học võ
Không ít bà mẹ cho con học võ xuất phát từ nguyên nhân muốn con rèn luyện và nâng cao khả năng bảo vệ bản thân, tăng cường thể lực, phòng ngừa bệnh tật. Thực ra ích lợi đến từ việc học võ còn nhiều hơn thế.
Võ thuật giúp đẩy nhanh quá trình phát triển; rèn luyện các tư thế; nâng cao tố chất nhanh nhẹn, dẻo dai, phản xạ nhanh, sức bền của cơ thể. Bên cạnh đó, võ thuật còn phát triển trí tưởng tượng, sức tập trung, khả năng ghi nhớ hình ảnh và sự vận động, khả năng mô phỏng, khả năng cảm nhận về nhịp độ và điều khiển các cơ trên cơ thể. Võ thuật cũng bồi dưỡng tinh thần kính thầy mến bạn, đoàn kết tương trợ lẫn nhau, cần cù vượt gian khó, tuân thủ luật lệ, tự tin vào bản thân, dũng cảm kiên cường.
2. Bí quyết giúp bé thích học võ
Bố mẹ và thầy giáo cùng trao đổi và phối hợp giúp bé hiểu về võ thuật từ nhiều góc độ
Bố mẹ và thầy giáo nên thường xuyên trao đổi, bàn bạc để tìm ra cách gây hứng thú với việc học võ cho bé, giúp bé hiểu cái hay của võ thuật. Thầy giáo nên căn cứ vào thể chất và năng lực của bé để điều phối các động tác, tránh việc dạy các động tác quá khó hoặc quá dễ để bé chán nản, không hấp dẫn. Đồng thời cũng nên nghĩ đến việc “gán” các động tác cho các nhân vật hoạt hình, truyện tranh… mà bé thích. Chỉ cần nghĩ mình đang làm giống “thần tượng” là bé sẽ thích thú và học theo rất nhanh.
Trong võ thuật, đằng sau mỗi thế võ thường ẩn chứa một câu truyện liên quan đến thế giới tự nhiên, đến văn hóa, lịch sử. Vì vậy, khi dạy đến động tác nào,ngoài việc giúp bé hiểu cách thức tiến hành và nội dung chính của động tác, thầy giáo có thể dùng lời nói và hình tượng để giải thích một cách đơn giản về sự liên quan giữa câu truyện kể với nguồn gốc xuất phát của mỗi thế võ.
Bố mẹ bé cũng có thể khiến bé hứng thú hơn với võ thuật bằng cách tìm các tranh ảnh, truyện tranh nói về các môn phái võ hoặc các câu truyện trừng gian diệt ác của các anh hùng võ thuật.
Trẻ em nên học võ đúng độ tuổi (ảnh minh họa)
Bố mẹ cùng chơi với bé một số trò chơi rèn luyện độ mềm dẻo của cơ thể
Rèn luyện độ mềm dẻo là một trong những lợi ích mà võ thuật đem đến cho cơ thể. Vì thế bố mẹ nên cùng bé chơi một số trò chơi như: dùng tay mò đất, dùng ngực “đậy” lên đầu gối… Mỗi ngày cùng chơi như vậy sẽ làm cơ thể bé mềm dẻo hơn, đồng thời bé sẽ dần dần hiểu ra võ thuật nên tập hàng ngày, dù ít nhưng lâu dần sẽ có tiến bộ.
Khơi dậy hứng thú từ những bộ phim hoạt hình
Khi bước vào giai đoạn 4 – 5 tuổi, đặc biệt là các bé trai thường mê mẩn những bộ phim hoạt hình, phim truyện hoặc các tiết mục truyền hình có các cảnh hành động, đấu võ. Rất nhiều bé còn tự mình đóng vai các nhân vật siêu nhân, siêu anh hùng… như trong phim. Thầy giáo và bố mẹ nên “tranh thủ” sự yêu thích này của bé để “cài cắm” các hành động của nhân vật anh hùng vào trong các thế võ hoặc trong các trò chơi rèn luyện cơ thể tại nhà. Chắc chắn bé sẽ rất hào hứng và luyện tập hăng say.
Mộc Phong (tổng hợp)