Campuchia bày tỏ mong muốn SEA Games 32 sẽ được ghi vào lịch sử Olympic.
SEA Games 32 khép lại ở Campuchia với nhiều dư âm. Dấu ấn lớn nhất mà chủ nhà Campuchia để lại ở kỳ Đại hội đầu tiên đứng ra đăng cai là miễn phí toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại, bản quyền truyền hình và vé xem các môn thi đấu.
Mới đây, Campuchia đã đưa ra đề xuất liên quan tới SEA Games 32. Đại diện phía Campuchia mong muốn Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và Hội đồng Olympic châu Á (OCA) công nhận SEA Games 32 là đại hội thể thao duy nhất lịch sử không thu phí ăn ở của các đoàn.
Phía Campuchia đang lên kế hoạch chuẩn bị bản báo cáo chi tiết nhất để trình lên Ủy ban Olympic Quốc tế và Hội đồng Olympic châu Á.
Theo số liệu thống kê, Campuchia đã mạnh tay chi ra tới 7 triệu USD cho các vận động viên tại SEA Games 32. Ngoài ra, quốc gia xứ Chùa tháp cũng chi tới gần 2 triệu USD thưởng cho các VĐV giành huy chương.
Các mức thưởng cho huy chương vàng, huy chương bạc, huy chương đồng lần lượt là 40 triệu riel, 30 triệu riel và 16 triệu riel. Các VĐV của Campuchia xuất sắc đứng thứ 4 toàn đoàn với 81 HCV, 74 HCB, 126 HCĐ (tổng số 281 huy chương).
VĐV đem về nhiều tấm HCV nhất cho Đoàn thể thao Campuchia là Pal Chhor Raksmy. Võ sĩ Chhor Raksmy giành tới 4 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ và được bầu chọn là VĐV tiêu biểu của SEA Games 32.
Tại môn bóng đá nam, tuy U22 Campuchia chưa thể giành vé vào bán kết nhưng ĐT nữ nước này đã tạo dấu mốc lịch sử. Ở lần thứ 2 dự SEA Games 32, đội tuyển nữ Campuchia thi đấu xuất sắc và có lần đầu tiên lọt vào bán kết.
ASEAN Para Games 2023 - Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á tiếp tục diễn ra ở Campuchia sau SEA Games 32. ASEAN Para Games lần thứ 12 diễn ra từ ngày 3/6 đến ngày 9/6.
Đến năm 2029, Campuchia đứng ra đăng cai tổ chức Đại hội thể thao trẻ châu Á. Đại hội thể thao trẻ châu Á 2029 dự kiến sẽ có gần 3.000 vận động viên tham gia tranh tài.